Booking.com
Showing posts with label tin-tuc-da-lat. Show all posts
Showing posts with label tin-tuc-da-lat. Show all posts

Wednesday, April 17, 2019

[Đà Lạt] Đà Lạt giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng

"Đà Lạt giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng". 

Thông tin trên được ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng, người phát ngôn của tỉnh Lâm Đồng về đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt- cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 16-4
Phóng viên: Vừa qua, dư luận có những ý kiến khác nhau đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt. Tỉnh Lâm Đồng đã có quan điểm thế nào, thưa ông?
- Ông LÊ QUANG TRUNG: Chúng tôi đã công khai đồ án quy hoạch thì rõ ràng có ý tiếp nhận sự đóng góp ý kiến của mọi người. Tuy nhiên, tiếp thu có lựa chọn. Ý kiến nào đúng, phù hợp thì chúng tôi tiếp thu. Cũng có những ý kiến góp ý cực đoan. Ai nói dân không đồng ý? Dân là ai? Cứ lợi dụng dân rồi nói! Trước khi công bố công khai quy hoạch này, chúng tôi đã làm đúng Luật Quy hoạch đô thị rồi, lấy trên 800 ý kiến rồi, đến khi công bố lại bảo dân không đồng ý.

Liệu Lâm Đồng có quá cứng nhắc với một đồ án quy hoạch đã lỡ đưa ra?
- Chúng tôi làm cũng phải suy nghĩ lắm chứ! Bao nhiêu cuộc họp chứ ít đâu. Việc chỉnh trang khu Hòa Bình đã được đặt ra cách đây hơn 10 năm rồi, bây giờ mới quyết tâm để làm đấy chứ! Có lẽ không ở đâu quản lý như Lâm Đồng. Xây 1 khách sạn 4-5 sao, nhà 4 tầng cũng phải ra hội đồng quy hoạch kiến trúc, rồi báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh họp các ngành lại, cho ý kiến rồi mới ra văn bản. Từ đó, Sở Xây dựng mới được cấp phép. Vì đặc thù TP Đà Lạt mới làm như thế. Bởi vậy, tôi có nói thẳng khi duyệt phương án đầu tư sẽ xem xét rất kỹ về mặt kiến trúc, tổ chức, khối tích công trình để vừa làm sao bảo đảm tính khả thi trong đồ án quy hoạch vừa bảo tồn Đà Lạt và không tốn kém, chứ đâu phải khăng khăng là đập bỏ đâu.
Dinh Tỉnh trưởng tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng)
Dinh Tỉnh trưởng tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng)
Nhưng trong quy hoạch này thì đập bỏ nhiều hơn giữ?
- Chúng tôi cũng giữ chứ sao không? Phải có cách giữ chứ! Bảo tồn nhưng cũng phải có quan niệm phát triển nữa. Không phải vì thế mà ngăn cản sự phát triển của Đà Lạt là không được. Bảo rằng, thôi, Đà Lạt cứ giữ như thế đi, cho ít ít, thưa thưa, cho thoải mái để bọn tôi lên chơi, thì sao được! Đà Lạt cũng phải phát triển chứ. Một đô thị cũng phải chỉnh trang để thông thoáng hơn chứ! Cái nào bảo tồn thì đã đưa vào bảo tồn rồi. Ví như chợ Đà Lạt có đụng không? Không!

Dinh Tỉnh trưởng không đáng bảo tồn hay sao mà phải "đụng" đến?
- Dinh Tỉnh trưởng vẫn bảo tồn, vẫn giữ lại đấy chứ! Trong quy hoạch có 2 phương án: Một là giữ nguyên vẹn, hai là chuyển nguyên khối sang bên cạnh cách mấy mét để bố trí không gian cho phù hợp nhưng vẫn bảo tồn. Tuy nhiên, qua xem xét thấy bố trí không gian đã phù hợp rồi, không nhất thiết phải chuyển. Chuyển chi cho tốn kém nên sẽ bảo tồn nguyên vẹn vị trí ban đầu.

Còn rạp Hòa Bình, sao phải phá bỏ?
- Rạp Hòa Bình có người bảo giữ lại vì giá trị. Thử hỏi có cái gì giá trị không. Chưa có ai nói rạp Hòa Bình là biểu tượng Đà Lạt hay cái gì hết cả. Xưa giờ người ta gọi khu Hòa Bình là khu trung tâm TP Đà Lạt. Đừng có nghĩ khu Hòa Bình là phải gắn với rạp Hòa Bình. Để giữ khu Hòa Bình là phải chỉnh trang, tổ chức lại không gian cho ở đó thông thoáng, chớ có ai lấy mất cái khu đấy đâu.
Phá bỏ mới chỉnh trang được nơi đó thành 1 quảng trường, 1 công viên đi bộ, vui chơi, giải trí thông thoáng. Sau này, ôtô sẽ không lên khu này được nữa. Toàn bộ không gian này là dành cho người đi bộ.

Cũng có ý kiến băn khoăn liệu có lợi ích nhóm trong việc thực hiện quy hoạch trung tâm Đà Lạt?
- Người ta cố tình hiểu sai, cố tình suy diễn thế đấy. Bảo dành tình cảm cho Đà Lạt nhưng như thế là sai. Sau khi chỉnh trang khu Hòa Bình thì ai cũng có quyền tham gia đầu tư cả. Sẽ tổ chức đấu thầu. Tuyệt đối không giao hay chỉ định cho ai cả thì lợi ích nhóm ở đâu?

Đi ngược chủ trương?
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồ, thành viên Hội KTS TP HCM, cho rằng nhắc đến Đà Lạt nhiều người nhìn nhận là đã bê-tông hóa rất nhiều, chính vì thế rất may mắn là khu vực Dinh Tỉnh trưởng còn một mảng xanh quý báu. Đà Lạt được mệnh danh là TP mộng mơ, TP ẩn hiện trong rừng thì cần phải giữ lại mảng xanh đó, vì mất đi thì không thể tái tạo. Chưa kể nói về mật độ xây dựng, nghĩa là diện tích chiếm đất của công trình thì cần giới hạn ngay từ bây giờ tuyệt đối tuân thủ quy định rõ ràng từng ô đất, khu phố... phải phối hợp chặt chẽ lấy ý kiến từ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và đặc biệt là người dân mới mang lại hiệu quả cuối cùng về đô thị có bản sắc riêng biệt, đó là thế mạnh thu hút được du lịch của Đà Lạt.

KTS Trần Công Hòa, Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, cho biết rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng dù không xếp hạng di sản nhưng mang dấu ấn của cộng đồng đô thị Đà Lạt qua các thời kỳ. Qua thời gian, các công trình trên sẽ có dấu ấn, chức năng riêng để phục vụ người dân. Về đồ án quy hoạch, KTS Hòa cho rằng các nhà nghiên cứu còn xa lạ, hời hợt khi thiết kế trung tâm TP Đà Lạt. Đà Lạt đang thiếu các mảng cây xanh. Duy nhất chỉ khu vực Dinh Tỉnh trưởng còn cây xanh nhưng theo đề án thì mảng cây trên cũng phải phá bỏ để đầu tư tổ hợp khách sạn. Quy hoạch như vậy là đi ngược lại chủ trương nghiên cứu trước đây của các chuyên gia.
Nguồn: Báo Lao Động

Tuesday, April 16, 2019

[Quy hoạch Đà Lạt] Lo di sản Đà Lạt bị phá hủy

Quá trình lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt có dấu hiệu không minh bạch, không tuân thủ quy trình lấy ý kiến người dân và chuyên gia

Sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỉ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt, 77 thành viên Hội Kiến trúc sư (KTS) TP HCM đã gửi đơn kiến nghị với nội dung cho rằng đồ án quy hoạch có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt trong lịch sử đô thị Việt Nam; việc ban hành quyết định chưa tường minh có thể phá hủy di sản kiến trúc Đà Lạt.

6 nội dung kiến nghị

Kiến nghị về đồ án quy hoạch này, 77 KTS cho rằng họ không phản đối việc chỉnh trang, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực trung tâm TP Đà Lạt nhưng việc làm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và đơn vị tư vấn thiết kế không phù hợp với vị thế đặc biệt của TP trong lịch sử đô thị Việt Nam, có nguy cơ xóa bỏ các giá trị về môi trường và di sản văn hóa của địa phương.

Thứ nhất, không tuân thủ Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, vi phạm các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị. 

Thứ hai, làm gia tăng áp lực dân số và giao thông trong khu vực, gây quá tải hạ tầng đô thị. 

Thứ ba, không bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích đất công trình công cộng và đất cây xanh của đô thị theo Quy chuẩn Việt Nam do sai lầm trong giải pháp quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất công cộng và đất cây xanh thành đất thương mại, dịch vụ và đất ở.

Thứ tư, nhóm KTS cho rằng có 3 quyết định về kiến trúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di sản. Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt có giá trị lịch sử (xây dựng từ năm 1910), là nơi diễn ra cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và trụ sở của UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Giải pháp di dời Dinh Tỉnh trưởng mà không đánh giá công trình, phạm vi bảo vệ của di tích là vi phạm quy định của Luật Di sản. Khu vực rạp Hòa Bình trước đây là chợ cũ được KTS nổi tiếng người Pháp Louis Georges Pineau thiết kế, xây dựng từ năm 1933 với tỉ lệ rất đẹp, tuy nhiên, vì địa phương buông lỏng quản lý đô thị mà kiến trúc của rạp bị biến dạng. Nay việc đề xuất phương án kiến trúc mới xa lạ, không có nét đặc sắc, có thể làm mất đi thế mạnh thương mại nông sản, sức hút du lịch và gần như bỏ qua phân tích, nghiên cứu lịch sử, di sản. Khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt là nét đặc sắc từ thời kỳ đầu thành lập Đà Lạt, đây là dấu ấn của người Việt khi đấu tranh đòi lại vị trí tại trung tâm TP và được Pháp nhượng bộ, bố trí chặt chẽ trong quy hoạch trung tâm. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là "chỉnh trang đô thị" song thực chất là giải tỏa trắng các khu di sản này. Mức độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn, gây xáo trộn cho người dân, dân không được hưởng lợi từ đề xuất này.

Thứ năm, quá trình lập quy hoạch chi tiết có dấu hiệu không minh bạch. Những người có trách nhiệm đã không tuân thủ quy trình lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Thứ sáu, đồ án quy hoạch nghiên cứu, phân tích rất sơ sài dẫn đến phương án đề xuất không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt, có thể làm mất đi giá trị của TP và có nguy cơ vấp phải những sai lầm không thể cứu vãn được.

Ngoài ra, nhóm KTS cũng gửi thư kiến nghị đến bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch Hội KTS Việt Nam... khẩn cấp yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem lại tính pháp lý, quy trình của đồ án, việc tổ chức không gian sử dụng đất trong đồ án có phù hợp với đặc thù của Đà Lạt không?
Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là “chỉnh trang đô thị” song thực chất là giải tỏa trắng khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt
Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là “chỉnh trang đô thị” song thực chất là giải tỏa trắng khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt
Tỉnh lắng nghe, ghi nhận ý kiến!

Ngày 15-4, ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "HĐND tỉnh đã nhận được kiến nghị của các KTS liên quan quy hoạch Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt cùng với nhiều ý kiến góp ý khác. HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu, ghi nhận".

Qua trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "Chúng tôi công khai đồ án để lấy ý kiến ở khu trung tâm Hòa Bình, từ khi công bố đồ án cho đến nay vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến. Chúng tôi đã lập một tổ để lắng nghe ý kiến của người dân và các nhà nghiên cứu về Đà Lạt, sau đó tổng hợp trình lên trên xem xét". Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nói: "Sau khi quy hoạch, chúng tôi tính toán tổng diện tích tháo dỡ 14.000 m2 nhưng diện tích xây dựng lại chỉ chiếm 7.000 m2. Như vậy, diện tích công trình mới xây dựng ít hơn nên dựa trên tinh thần sắp xếp lại, chúng tôi quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình...".

Trong khi đó, tại buổi họp báo vào đầu tháng 4-2019, ông Phùng Khắc Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đồ án quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, chính vì vậy, phải quyết tâm thực hiện tốt đồ án. Trong ngày 15-4, trước thông tin nhóm 77 KTS ở TP HCM gửi thư kiến nghị, ông Phùng Khắc Đồng xác nhận: "Văn bản đó chỉ có một người viết và ký tên nhưng liệt kê danh sách 77 người. UBND tỉnh Lâm Đồng và cá nhân tôi không thuộc địa chỉ gửi nên trước mắt không có ý kiến". 

Sẽ tổ chức hội đồng chuyên môn
Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi đồ án được công bố, hội cũng đã trình bày nhiều ý kiến để UBND tỉnh xem xét, rà soát để có quyết định cuối cùng. "Sắp tới, Hội KTS Việt Nam tổ chức hội đồng chuyên môn kiến trúc tại Hà Nội, qua đó sẽ có các giáo sư, nhà chuyên môn, nhà văn hóa... dựa vào các tài liệu do Sở Xây dựng tỉnh cung cấp để thảo luận, phân tích về góc độ chuyên môn giúp địa phương thấy những vấn đề tồn tại, bất cập..." - ông Tứ nói.
Quy hoạch thành 5 phân khu
Theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, gồm 5 phân khu. Trong đó, phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 6,95 ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm. Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh có diện tích 4,43 ha. Tại khu vực này, tòa Dinh tỉnh trưởng (cũ) sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới, cũng trong khuôn viên dinh. Nơi đây sau khi hoàn thành sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19 ha với mục tiêu hình thành nên khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Và phân khu 5 là khu vực ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06 ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.
Nguồn: Báo Lao Động

Monday, April 15, 2019

[Đà Lạt] 80 kiến trúc sư kiến nghị xem lại quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt

Quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt

Các kiến trúc sư cho rằng đồ án quy hoạch có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt trong lịch sử đô thị Việt Nam; việc ban hành quyết định chưa tường minh.
Liên quan đến đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, gần 80 kiến trúc sư đã gửi bản kiến nghị đến Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn và Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, tác giả đồ án.
Chưa tường minh
Các kiến trúc sư cho rằng đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, các kiến trúc sư kiến nghị:
Thứ nhất, Bộ Xây dựng và HĐND tỉnh Lâm Đồng xem xét, làm rõ và công bố trước công luận việc ban hành Quyết định 229-QĐ/UBND ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật?
Thứ hai, Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xem xét và công bố trước công luận đánh giá của mình về chất lượng đồ án quy hoạch nói trên.
Thứ ba, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị xem xét nghiên cứu làm lại một tác phẩm khác xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc của ông trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam.
Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình gây nên nhiều phản ứng trái chiều.
Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình gây nên nhiều phản ứng trái chiều. 


Bên cạnh đó, một thư kiến nghị khác cũng đang được lan truyền trên mạng xã hội nhằm lấy ý kiến dư luận để gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị xem xét lại tính pháp lý, quy trình thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình.
Nhóm soạn thư kiến nghị hầu hết là kiến trúc sư có kinh nghiệm thực tiễn ở Đà Lạt; giảng viên khoa kiến trúc, lịch sử đô thị; sinh viên chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch...
Phá hủy di sản
Nhóm kiến nghị cho biết họ không phản đối việc chỉnh trang, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực trung tâm Đà Lạt, nhưng việc làm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và của đơn vị tư vấn thiết kế đang không phù hợp với vị thế đặc biệt của thành phố trong lịch sử đô thị Việt Nam, có nguy cơ xóa bỏ các giá trị về môi trường và di sản văn hóa của địa phương.
Về kiến trúc, nhóm kiến nghị chỉ ra có 3 quyết định trong đồ án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di sản của Đà Lạt.
Thứ nhất, dinh tỉnh trưởng có giá trị lịch sử, được xây dựng từ năm 1910, là nơi diễn ra cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám, là trụ sở của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra giải pháp di dời dinh tỉnh trưởng mà không cung cấp thông tin cho dư luận thấy đã có đánh giá công trình, phạm vi bảo vệ... là vi phạm luật Di sản.
Khu Hòa Bình nhìn từ trên cao.
Khu Hòa Bình nhìn từ trên cao.

Thứ hai, rạp Hoà Bình trước đây là chợ cũ được kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Pineau thiết kế, xây dựng từ năm 1933 với tỷ lệ rất đẹp xong trong quá trình phát triển, quản lý đô thị đã bị buông lỏng mà kiến trúc của rạp bị biến dạng. Nay việc đề xuất phương án kiến trúc mới hoàn toàn xa lạ, không có nét đặc sắc, có thể làm mất đi thế mạnh thương mại nông sản và sức hút du lịch của thành phố...
Thứ ba, khu nhà phố (shop-house) quanh chợ Đà Lạt là nét đặc sắc từ thời kỳ đầu thành lập Đà Lạt, đây là dấu ấn của người Việt khi đấu tranh đòi vị trí tại trung tâm thành phố và được Pháp nhượng bộ, bố trí gắn chặt chẽ trong quy hoạch trung tâm. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận “chỉnh trang đô thị” song thực chất giải tỏa trắng các khu di sản này. Mức độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn, gây xáo trộn cho người dân và họ không được hưởng lợi từ đề xuất này...
Có phù hợp tính đặc thù của Đà Lạt?
Nhóm kiến trúc sư kiến nghị Thủ tướng và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẩn cấp yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét lại tính pháp lý, quy trình của đồ án, xem xét việc tổ chức không gian sử dụng đất trong đồ án có phù hợp với đặc thù của Đà Lạt không.
Nhóm đề nghị đồ án quy hoạch chi tiết này cần phải được xem xét với sự tham gia, kiểm tra giám sát và phản biện chặt chẽ của cơ quan Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam...

Dinh tỉnh trưởng sẽ bị di dời để xây khách sạn 10 tầng.
Dinh tỉnh trưởng sẽ bị di dời để xây khách sạn 10 tầng.

Cùng với đề nghị trên, nhóm đưa ra các điểm mấu chốt yêu cầu xem xét, trong đó có một số vấn đề sau:
Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm Hoà Bình có biểu hiện không tuân thủ quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/4/2014. Cụ thể, các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị...
Đồ án làm gia tăng áp lực dân số (dù đồ án có đưa ra hệ số chiếm đất có vẻ phù hợp, song hệ số sử dụng đất quá cao, các công trình mới có diện tích sàn xây dựng quá lớn) và áp lực giao thông trong khu vực, gây quá tải hạ tầng đô thị. Không đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích đất công trình công cộng và đất cây xanh của đô thị theo Quy chuẩn Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do trong giải pháp quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất công cộng và đất cây xanh thành đất thương mại, dịch vụ và đất ở.
Theo quy hoạch công bố ngày 15/3, Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn với 10 tầng. Rạp Hòa Bình sau khi dỡ bỏ được thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình. Theo đơn vị thiết kế đồ án quy hoạch, đây là khu phức hợp mang tính giải trí, có 5 tầng nổi. Công năng của rạp hát sẽ được xây dựng trong công trình ngầm.
Nguồn: news.zing.vn

Friday, April 5, 2019

[Quy hoạch Đà Lạt] Tư duy kiểu "Đà Lạt phải buồn" là "kiềm chế sự phát triển của Thành Phố"

(NLĐO) - Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng - cho rằng tư duy theo kiểu Đà Lạt bây giờ không buồn như Đà Lạt xưa sẽ kiềm chế sự phát triển của Thành Phố.

Chiều 5-4, tại TP Đà Lạt, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức buổi giao ban báo chí tháng 4-2019 để thông tin về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua. Trong đó, việc quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình ở Đà Lạt đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đồ án quy hoạch trung tâm TP Đà Lạt thì rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ.
Theo đồ án quy hoạch trung tâm TP Đà Lạt thì rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện trạng trung tâm Hòa Bình rất lộn xộn, nhếch nhác. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng dự kiến tổ chức lại trung tâm này theo hướng đô thị xanh, không gian thoáng, đảm bảo khoa học và mỹ quan. "Đồ án được chúng tôi lấy ý kiến công khai, được UBND tỉnh phê duyệt. Trước khi công khai, tỉnh cũng đã lấy ý kiến của cộng đồng dân cư" - ông Trung nói.
Khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt nhìn từ trên cao.
Khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt nhìn từ trên cao.
Theo ông Trung, riêng toàn bộ khu dân cư thuộc khu vực các trục đường Nguyễn Chí Thanh, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu sẽ chỉnh trang lại, phân luồng giao thông cho phù hợp chứ không giải tỏa.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhìn nhận: "Không nên tư duy theo kiểu Đà Lạt bây giờ không buồn như Đà Lạt xưa, bởi kiểu tư duy này sẽ kiềm chế sự phát triển của TP Đà Lạt".

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo quy hoạch, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, gồm 5 phân khu. Phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai với diện tích 6,95 ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.
Dinh Tỉnh trường sẽ được dời nguyên khối qua vị trí khác
Dinh Tỉnh trường sẽ được dời nguyên khối qua vị trí khác
Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng. 

Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh có diện tích 4,43 ha. Tại khu vực này, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới cũng trong khuôn viên đồi Dinh. Nơi đây sau đó sẽ hình thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp.

Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19 ha với mục tiêu hình thành khu nhà ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí. 

Phân khu 5 là khu vực ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06 ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng.
Khu Dinh Tỉnh trưởng hiện tại nhìn từ trên cao.
Khu Dinh Tỉnh trưởng hiện tại nhìn từ trên cao.
Đồ án quy hoạch này cũng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn cho rằng đã đến lúc nên sắp xếp lại trật tự tại trung tâm TP Đà Lạt nhưng cần hết sức cẩn trọng, tránh làm mất đi hồn cốt Đà Lạt đã hình thành và phát triển hơn 125 năm qua.
Nguồn: Báo Lao Động

Saturday, March 23, 2019

[Đà Lạt] Hãy để Đà Lạt với sương mờ

Suy ngẫm: "Hãy để Đà Lạt với sương mờ "

Tôi có duyên sống ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vài năm và yêu say đắm "thành phố buồn" lắm mộng mơ này.
Còn nhớ năm 1978, lần đầu tiên trong đời đến Đà Lạt. Xuất phát từ Ninh Thuận, tôi cùng chiếc Peugeot 403 ì ạch leo lên đèo Ngoạn Mục, qua thị trấn Đơn Dương hiền dịu rồi đến đèo Dran. Đèo Dran luồn rừng, luồn núi, nối liền Đơn Dương với Cầu Đất để đến Đà Lạt. Xe càng lên cao càng luồn sâu vào rừng, những khu rừng thông bất tận dày đặc trong sương mù, phóng túng và lãng mạn.

Sương mù Đà Lạt - Nguồn: internet
Sương mù Đà Lạt - Nguồn: internet
Rừng thông và sương mù là đặc trưng của Đà Lạt. Nó không chỉ gợi cảm hứng mà là nền tảng làm nên văn hóa Đà Lạt. Ấy vậy mà khi xa Đà Lạt, vài năm về thăm một lần, tôi thấy mảnh đất mộng mơ đang chìm dần trong những khối bê-tông, những căn nhà cao tầng ngột ngạt.

Bây giờ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng lại muốn quy hoạch một Đà Lạt hiện đại. Họ muốn thay đổi căn bản khu trung tâm Hòa Bình bằng khu dịch vụ thương mại với từ 3-5 tầng nổi. Họ muốn di dời Dinh Tỉnh trưởng cũ sang một góc khiêm tốn để dành đất xây dựng khu dịch vụ cao cấp lên đến 10 tầng.

Nên nhớ rằng bây giờ toàn bộ khu trung tâm Hòa Bình chỉ còn lại mảng xanh duy nhất là Dinh Tỉnh trưởng và như vậy nó sẽ biến mất! Một số phân khu khác ngay trung tâm cũng sẽ quy hoạch lại chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh Tỉnh trưởng là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử tại Đà Lạt. Làm mới những khu vực này hết sức nhạy cảm, nếu không cẩn thận, "hồn vía" của Đà Lạt sương mù sẽ biến mất. Nếu quy hoạch tham lam, thực dụng như vậy, khu trung tâm Đà Lạt sẽ "trơ xương"!

Hơn 40 năm qua, Đà Lạt thay đổi quá nhiều. Dân số tăng lên, tốc độ bê-tông hóa quá nhanh, những cánh rừng thông biến mất. Trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt chưa cải tạo theo hướng quy hoạch mới đã trở nên ngột ngạt với những biệt thự bê-tông cốt thép, những công trình phục vụ khách du lịch đồ sộ, ồn ào, náo nhiệt. Đà Lạt đang bị biến dạng vì sự phát triển du lịch quá nóng.

Ngày trước Hàn Mặc Tử viết "Đà Lạt trăng mờ", đọc là thấy một Đà Lạt đầy sương, đầy gió, đầy trăng. Giờ đây, sương mù Đà Lạt đi đâu mất khiến những buổi sáng, chiều tối, du khách mất cảm giác bồng bềnh trong sương.

Du lịch đang "ăn" vào di sản thiên nhiên chứ không phải lợi dụng ưu thế thiên nhiên để làm du lịch. Nếu muốn "cứu" Đà Lạt, phải thấy những bất cập đó.

Đà Lạt là thành phố "cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu" - giống như một câu ngạn ngữ Latin mà nhà thám hiểm - bác sĩ A.Yersin từng liên tưởng để nói về cao nguyên Langbiang.
Sương mù bên hồ Xuân Hương - Đà Lạt
Sương mù bên hồ Xuân Hương - Đà Lạt
Chúng ta có thể sẽ không chỉ mất Đà Lạt mà còn mất cả "niềm vui" và "sự mát dịu" của thiên nhiên ban tặng nếu quy hoạch sai, thiếu thận trọng.

Đừng làm mất đi hồn cốt Đà Lạt. Hãy để Đà Lạt lãng đãng với sương mờ... 

[Quy hoạch Đà Lạt] Đừng để mất hồn cốt Đà Lạt

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng khẳng định quy hoạch lại khu trung tâm Đà Lạt để phục vụ du khách theo hướng rộng rãi, tiện nghi và không phá vỡ cảnh quan đặc trưng.
Ngày 22-3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch đến năm 2035, tỉnh Lâm Đồng có 19 đô thị. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của TP trực thuộc trung ương, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây Nguyên.

Nhiều ý kiến trái chiều
Trước đó, TP Đà Lạt cũng đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Đà Lạt và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo quy hoạch, trung tâm có diện tích 30 ha, gồm 5 phân khu. Phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 6,95 ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.
Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng.
Đà Lạt chìm trong sương mờ Ảnh: VÕ TRANG
Đà Lạt chìm trong sương mờ Ảnh: VÕ TRANG
Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh có diện tích 4,43 ha. Tại khu vực này, tòa Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới cũng trong khuôn viên đồi Dinh. Nơi đây sau đó sẽ hình thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp.
Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19 ha với mục tiêu hình thành nên khu nhà ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí.
Phân khu 5 là ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06 ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng.
Theo PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, người gắn bó với Đà Lạt hơn 50 năm, nếu quy hoạch mà phá bỏ các công trình kiến trúc cũ hoặc chuyển đổi công năng vốn có là không nên. "Riêng rạp hát khu Hòa Bình bị phá bỏ thì nên xây dựng đúng công năng gắn liền với văn hóa, ví dụ như nhà hát kịch, khu triển lãm các hiện vật mang dấu ấn truyền thống của vùng đất này. Chính quyền địa phương cần xem xét kỹ, nếu không, Đà Lạt sẽ đánh mất thương hiệu nổi tiếng hàng trăm năm mới có được trong lòng bạn bè quốc tế" - ông Sinh nhấn mạnh.
Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chỉnh trang đô thị Đà Lạt, đặc biệt việc sắp xếp lại khu Hòa Bình là cần thiết. Tuy nhiên, việc cải tạo phải tính toán kỹ trên cơ sở bảo tồn những công trình gắn liền với thời gian và hồn cốt của Đà Lạt. "Đà Lạt có các công trình kiến trúc văn hóa "Ta - Tây" kết hợp nên rất riêng, rất khác so với các đô thị du lịch khác của nước ta" - ông Tứ lý giải.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước khi công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Đà Lạt, tỉnh đã lấy ý kiến các sở ngành chức năng. "Hiện nay, về dư luận, đa phần phản ánh nên giữ lại những điểm nhấn lịch sử của TP Đà Lạt nên ngành văn hóa tỉnh đang tiếp thu và có cân nhắc" - bà Nguyên nói.

Hạn chế phá vỡ địa hình
Cũng theo quy hoạch được công bố, dãy nhà phía sau rạp hát Hòa Bình, khu dân cư bên phải đường Phan Bội Châu (đoạn từ cầu thang chợ Đà Lạt đến khu chợ đồ cũ), khu vực thương xá La Tulipe, khách sạn Hải Sơn, khách sạn Golf 3 (cũ), dãy ki-ốt dẫn vào chợ sẽ được phá bỏ để làm công viên, bãi đậu xe ngầm, không gian công cộng...
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước khi phê duyệt đề án, tỉnh đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, sở, ban, ngành và phát 800 phiếu khảo sát ý kiến các hộ dân sinh sống trong khu vực. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất với chủ trương trên. "Việc thiết kế xây dựng công trình sẽ tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế phá vỡ địa hình vốn có của Đà Lạt; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực; trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái các công trình" - ông Trung thông tin.
Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, quyết định quy hoạch trên là định hướng phát triển đô thị khu trung tâm Hòa Bình thành khu trung tâm phức hợp, gồm hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao; các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, tạo ra nhiều không gian mua sắm, đi bộ, bãi đậu xe... Đặc biệt, việc chỉnh trang các khu nhà ở bảo đảm hài hòa cảnh quan mà không phá vỡ kiến trúc lịch sử trăm năm của Đà Lạt.

Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt
Theo quy hoạch xây dựng vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2035 và tầm nhìn năm 2050, Lâm Đồng trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông và văn hóa - di sản.
Về giao thông, ngoài tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, quy hoạch cũng nêu rõ định hướng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (dài 84 km), đồng thời quy hoạch 6 tuyến đường sắt đô thị bằng monorail phục vụ du lịch trên địa bàn Đà Lạt với tổng chiều dài gần 90 km.