Chính quyền tỉnh Lâm Đồng khẳng định quy hoạch lại khu trung tâm Đà Lạt để phục vụ du khách theo hướng rộng rãi, tiện nghi và không phá vỡ cảnh quan đặc trưng.
Ngày 22-3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch đến năm 2035, tỉnh Lâm Đồng có 19 đô thị. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của TP trực thuộc trung ương, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây Nguyên.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trước đó, TP Đà Lạt cũng đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Đà Lạt và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo quy hoạch, trung tâm có diện tích 30 ha, gồm 5 phân khu. Phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 6,95 ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.
Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng.
Đà Lạt chìm trong sương mờ Ảnh: VÕ TRANG |
Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19 ha với mục tiêu hình thành nên khu nhà ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí.
Phân khu 5 là ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06 ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng.
Theo PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, người gắn bó với Đà Lạt hơn 50 năm, nếu quy hoạch mà phá bỏ các công trình kiến trúc cũ hoặc chuyển đổi công năng vốn có là không nên. "Riêng rạp hát khu Hòa Bình bị phá bỏ thì nên xây dựng đúng công năng gắn liền với văn hóa, ví dụ như nhà hát kịch, khu triển lãm các hiện vật mang dấu ấn truyền thống của vùng đất này. Chính quyền địa phương cần xem xét kỹ, nếu không, Đà Lạt sẽ đánh mất thương hiệu nổi tiếng hàng trăm năm mới có được trong lòng bạn bè quốc tế" - ông Sinh nhấn mạnh.
Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chỉnh trang đô thị Đà Lạt, đặc biệt việc sắp xếp lại khu Hòa Bình là cần thiết. Tuy nhiên, việc cải tạo phải tính toán kỹ trên cơ sở bảo tồn những công trình gắn liền với thời gian và hồn cốt của Đà Lạt. "Đà Lạt có các công trình kiến trúc văn hóa "Ta - Tây" kết hợp nên rất riêng, rất khác so với các đô thị du lịch khác của nước ta" - ông Tứ lý giải.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước khi công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Đà Lạt, tỉnh đã lấy ý kiến các sở ngành chức năng. "Hiện nay, về dư luận, đa phần phản ánh nên giữ lại những điểm nhấn lịch sử của TP Đà Lạt nên ngành văn hóa tỉnh đang tiếp thu và có cân nhắc" - bà Nguyên nói.
Hạn chế phá vỡ địa hình
Cũng theo quy hoạch được công bố, dãy nhà phía sau rạp hát Hòa Bình, khu dân cư bên phải đường Phan Bội Châu (đoạn từ cầu thang chợ Đà Lạt đến khu chợ đồ cũ), khu vực thương xá La Tulipe, khách sạn Hải Sơn, khách sạn Golf 3 (cũ), dãy ki-ốt dẫn vào chợ sẽ được phá bỏ để làm công viên, bãi đậu xe ngầm, không gian công cộng...
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước khi phê duyệt đề án, tỉnh đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, sở, ban, ngành và phát 800 phiếu khảo sát ý kiến các hộ dân sinh sống trong khu vực. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất với chủ trương trên. "Việc thiết kế xây dựng công trình sẽ tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế phá vỡ địa hình vốn có của Đà Lạt; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực; trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái các công trình" - ông Trung thông tin.
Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, quyết định quy hoạch trên là định hướng phát triển đô thị khu trung tâm Hòa Bình thành khu trung tâm phức hợp, gồm hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao; các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, tạo ra nhiều không gian mua sắm, đi bộ, bãi đậu xe... Đặc biệt, việc chỉnh trang các khu nhà ở bảo đảm hài hòa cảnh quan mà không phá vỡ kiến trúc lịch sử trăm năm của Đà Lạt.
Theo quy hoạch xây dựng vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2035 và tầm nhìn năm 2050, Lâm Đồng trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông và văn hóa - di sản.
Về giao thông, ngoài tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, quy hoạch cũng nêu rõ định hướng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (dài 84 km), đồng thời quy hoạch 6 tuyến đường sắt đô thị bằng monorail phục vụ du lịch trên địa bàn Đà Lạt với tổng chiều dài gần 90 km.
0 nhận xét:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.