Booking.com

Tuesday, April 16, 2019

[Quy hoạch Đà Lạt] Lo di sản Đà Lạt bị phá hủy

Quá trình lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt có dấu hiệu không minh bạch, không tuân thủ quy trình lấy ý kiến người dân và chuyên gia

Sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỉ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt, 77 thành viên Hội Kiến trúc sư (KTS) TP HCM đã gửi đơn kiến nghị với nội dung cho rằng đồ án quy hoạch có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt trong lịch sử đô thị Việt Nam; việc ban hành quyết định chưa tường minh có thể phá hủy di sản kiến trúc Đà Lạt.

6 nội dung kiến nghị

Kiến nghị về đồ án quy hoạch này, 77 KTS cho rằng họ không phản đối việc chỉnh trang, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực trung tâm TP Đà Lạt nhưng việc làm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và đơn vị tư vấn thiết kế không phù hợp với vị thế đặc biệt của TP trong lịch sử đô thị Việt Nam, có nguy cơ xóa bỏ các giá trị về môi trường và di sản văn hóa của địa phương.

Thứ nhất, không tuân thủ Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, vi phạm các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị. 

Thứ hai, làm gia tăng áp lực dân số và giao thông trong khu vực, gây quá tải hạ tầng đô thị. 

Thứ ba, không bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích đất công trình công cộng và đất cây xanh của đô thị theo Quy chuẩn Việt Nam do sai lầm trong giải pháp quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất công cộng và đất cây xanh thành đất thương mại, dịch vụ và đất ở.

Thứ tư, nhóm KTS cho rằng có 3 quyết định về kiến trúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di sản. Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt có giá trị lịch sử (xây dựng từ năm 1910), là nơi diễn ra cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và trụ sở của UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Giải pháp di dời Dinh Tỉnh trưởng mà không đánh giá công trình, phạm vi bảo vệ của di tích là vi phạm quy định của Luật Di sản. Khu vực rạp Hòa Bình trước đây là chợ cũ được KTS nổi tiếng người Pháp Louis Georges Pineau thiết kế, xây dựng từ năm 1933 với tỉ lệ rất đẹp, tuy nhiên, vì địa phương buông lỏng quản lý đô thị mà kiến trúc của rạp bị biến dạng. Nay việc đề xuất phương án kiến trúc mới xa lạ, không có nét đặc sắc, có thể làm mất đi thế mạnh thương mại nông sản, sức hút du lịch và gần như bỏ qua phân tích, nghiên cứu lịch sử, di sản. Khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt là nét đặc sắc từ thời kỳ đầu thành lập Đà Lạt, đây là dấu ấn của người Việt khi đấu tranh đòi lại vị trí tại trung tâm TP và được Pháp nhượng bộ, bố trí chặt chẽ trong quy hoạch trung tâm. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là "chỉnh trang đô thị" song thực chất là giải tỏa trắng các khu di sản này. Mức độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn, gây xáo trộn cho người dân, dân không được hưởng lợi từ đề xuất này.

Thứ năm, quá trình lập quy hoạch chi tiết có dấu hiệu không minh bạch. Những người có trách nhiệm đã không tuân thủ quy trình lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Thứ sáu, đồ án quy hoạch nghiên cứu, phân tích rất sơ sài dẫn đến phương án đề xuất không phù hợp với cảnh quan và vị thế của Đà Lạt, có thể làm mất đi giá trị của TP và có nguy cơ vấp phải những sai lầm không thể cứu vãn được.

Ngoài ra, nhóm KTS cũng gửi thư kiến nghị đến bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch Hội KTS Việt Nam... khẩn cấp yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem lại tính pháp lý, quy trình của đồ án, việc tổ chức không gian sử dụng đất trong đồ án có phù hợp với đặc thù của Đà Lạt không?
Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là “chỉnh trang đô thị” song thực chất là giải tỏa trắng khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt
Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận là “chỉnh trang đô thị” song thực chất là giải tỏa trắng khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt
Tỉnh lắng nghe, ghi nhận ý kiến!

Ngày 15-4, ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "HĐND tỉnh đã nhận được kiến nghị của các KTS liên quan quy hoạch Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt cùng với nhiều ý kiến góp ý khác. HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu, ghi nhận".

Qua trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "Chúng tôi công khai đồ án để lấy ý kiến ở khu trung tâm Hòa Bình, từ khi công bố đồ án cho đến nay vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến. Chúng tôi đã lập một tổ để lắng nghe ý kiến của người dân và các nhà nghiên cứu về Đà Lạt, sau đó tổng hợp trình lên trên xem xét". Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nói: "Sau khi quy hoạch, chúng tôi tính toán tổng diện tích tháo dỡ 14.000 m2 nhưng diện tích xây dựng lại chỉ chiếm 7.000 m2. Như vậy, diện tích công trình mới xây dựng ít hơn nên dựa trên tinh thần sắp xếp lại, chúng tôi quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình...".

Trong khi đó, tại buổi họp báo vào đầu tháng 4-2019, ông Phùng Khắc Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đồ án quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, chính vì vậy, phải quyết tâm thực hiện tốt đồ án. Trong ngày 15-4, trước thông tin nhóm 77 KTS ở TP HCM gửi thư kiến nghị, ông Phùng Khắc Đồng xác nhận: "Văn bản đó chỉ có một người viết và ký tên nhưng liệt kê danh sách 77 người. UBND tỉnh Lâm Đồng và cá nhân tôi không thuộc địa chỉ gửi nên trước mắt không có ý kiến". 

Sẽ tổ chức hội đồng chuyên môn
Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi đồ án được công bố, hội cũng đã trình bày nhiều ý kiến để UBND tỉnh xem xét, rà soát để có quyết định cuối cùng. "Sắp tới, Hội KTS Việt Nam tổ chức hội đồng chuyên môn kiến trúc tại Hà Nội, qua đó sẽ có các giáo sư, nhà chuyên môn, nhà văn hóa... dựa vào các tài liệu do Sở Xây dựng tỉnh cung cấp để thảo luận, phân tích về góc độ chuyên môn giúp địa phương thấy những vấn đề tồn tại, bất cập..." - ông Tứ nói.
Quy hoạch thành 5 phân khu
Theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, gồm 5 phân khu. Trong đó, phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 6,95 ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm. Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37 ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh có diện tích 4,43 ha. Tại khu vực này, tòa Dinh tỉnh trưởng (cũ) sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới, cũng trong khuôn viên dinh. Nơi đây sau khi hoàn thành sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19 ha với mục tiêu hình thành nên khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Và phân khu 5 là khu vực ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06 ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.
Nguồn: Báo Lao Động

0 nhận xét:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.